Mảng đỏ như nốt ruồi trên da là do tụ máu hay nốt ruồi ung thư?
Nốt ruồi đỏ hay nốt ruồi son trong y khoa được gọi là u mạch anh đào (Cherry angiomas).
1. Dấu hiệu nhận biết nốt ruồi đỏ trên da
U mạch anh đào thường bắt đầu bằng những đốm nhỏ, phẳng và có màu đỏ tươi (đôi khi là đỏ sẫm) được tạo thành từ các mạch máu nhỏ; kích thước từ 1 – 5 mm với hình dạng có thể là hình tròn hoặc hình bầu dục. Chính vì vậy mà u mạch anh đào thường bị nhầm lẫn với mụn trứng cá, dị ứng hoặc xuất huyết dưới da.
Hình ảnh u mạch máu anh đào hay còn gọi là nốt ruồi đỏ (nốt ruồi son (Ảnh: Healthline)
U mạch anh đào phổ biến ở người trên 30 tuổi, đặc biệt là ở người cao tuổi. Thường gặp nhất là rải rác trên mặt như trán, môi, mũi, tai hay cằm hoặc trên cơ thể như ngực, vai, lưng, tay, cổ. Hiếm khi u mạch anh đào xuất hiện ở niêm mạc như môi, miệng, trong mũi.
U mạch anh đào có thể dễ dàng bị chảy máu nếu bị trầy xước do chấn thương như gãi, cào hoặc vết thương do dao cạo râu.
2. Nguyên nhân nào gây ra tình trạng u mạch anh đào?
Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới sự hình thành nốt ruồi đỏ. Nhưng nhìn chung, các tình trạng này là lành tính và hiếm khi gây nguy hiểm tới sức khỏe.
Thông thường, nốt ruồi đỏ có thể phát triển do:
– Sự lão hóa tự nhiên: Theo Viện Hàn lâm Hoa Kỳ, nốt ruồi đỏ có thể xuất hiện nhiều hơn khi bạn già đi, phổ biến nhất ở người trưởng thành trên 30 tuổi với tỷ lệ khoảng 75% người trên 75 tuổi mắc u mạch anh đào. Chỉ có 7% và lên đến 41% thanh thiếu niên và những người ở độ tuổi 20 mắc u mạch anh đào.
– Sự thay đổi hormone chẳng hạn như trong thai kỳ (gia tăng hormone kích thích tiết sữa prolactin) hoặc dùng thuốc tránh thai.
– Di truyền.
Theo Health, các yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành nốt ruồi đỏ có thể kể đến như:
– Tình trạng sức khỏe như:
+ Bệnh to các viễn cực:Hay còn gọi là bệnh to đầu chi, là một tình trạng rối loạn hormone hiếm gặp. Bệnh xảy ra khi hormone tăng trưởng GHvà yếu tố tăng trưởng insulin 1 (IGF-1)quá dư thừa trong cơ thể và dẫn đến sự tăng trưởng quá mức của xương cũng như các mô mềm trong cơ thể.Khi mắc bệnh to các viễn cực, cơ thể có thể phát triển chiều cao bất thường do gia tăng cấu trúc xương. Hầu hết các trường hợp bệnh đều tập trung ở cánh tay, cẳng chân và vùng mặt.
Người bị bệnh to đầu chi có thể tăng rủi ro phát triển u mạch anh đào do bất thường về lipid ảnh hưởng tới mao mạch.
+Bệnh mảnh ghép chống ký chủ cấp tính (GVHD cấp): Là một biến chứng có thể gặp sau dị ghép tế bào gốc. Hiện tượng này gây nên bởi các tế bào miễn dịch của người cho lẫn vào các đơn vị tế bào gốc trong qua trình thu thập, nhận biết cơ thể người nhận là ngoại lai.
+Virus human herpesvirus 8 (HHV-8): Nghiên cứu năm 2013 trên NCBI chỉ ra rằng, gần 53% số người mắc u mạch anh đào đều nhiễm HHV-8.
+Bệnh Castleman đa trung tâm (MCD): Rối loạn hiếm gặp này khiến các tế bào trong hạch bạch huyết nhân lên nhanh chóng. Các protein gây ra sự phát triển quá mức của tế bào có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiều u mạch anh đào.
+ Bệnh bạch biến: Hay còn gọi là bệnh bạch bì, là một tổn thương mất tế bào sắc tố da dẫn đến vùng da bị giảm sắc tố (màu trắng hoặc hơi hồng), thường cóviền tăng sắc tố nơi tiếp giáp với màu da bình thường. Trên sang thương vùng da bạch biến da trơn láng, không có vảy, không mất cảm giác, khi bị ở da đầu thì tóc cũng bạc trắng với vùng tương ứng. Số lượng có thể có một hoặc nhiều mảng, có thể liên kết nhau thành mảng lớn, có thể ra khắp toàn thân.
Phương pháp điều trị sử dụng mù tạt ni tơ tại chỗ của bệnh bạch biến có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện u mạch anh đào trên da.
– Tiếp xúc với một số hóa chất gây hại như mù tạt ni tơ (nitrogen mustard)/khí mù tạt,bromide và 2-butoxyethanolcó thể gây tổn thương nghiêm trọng tới DNA của tế bào, tăng cường sự giải phóng các yếu tố hình thành nốt ruồi đỏ.
–Tổn thương gan và bệnh tật: Theo Very Well Health, nghiên cứu chỉ ra rằng sự xuất hiện của u mạch máu anh đào có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
– Thời tiết nóng nực: Một nghiên cứu năm 2013 trên NCBI chỉ ra rằng, sự xuất hiện của nốt ruồi đỏ liên quan đến việc sống ở một số vùng có khí hậu nóng bức.
Vậy nốt ruồi đỏ có phải khối u ung thư không?
Mặc dù hiếm gặp nhưng nốt ruồi đỏ vẫn có thể là dấu hiệu sớm của ung thư da ác tính nếu nốt ruồi đỏ có hình dạng hoặc chảy máu bất thường.
Theo đó, nốt ruồi ung thư là những nốt ruồi có đặc điểm như sau:
+ Nốt ruồi tăng nhanh kích thước, trên 6mm.
+ Nốt ruồi bỗng nhiên chuyển màu sẫm dần hoặc chỗ đậm chỗ nhạt.
+ Nốt ruồi bỗng nhiên rỉ máu, chảy dịch hoặc ngứa ngáy.
+ Nốt ruồi mờ, có viền (bờ) không đều, bất đối xứng, nham nhở hoặc có dấu hiệu loét, sùi.
+ Bề mặt của nốt ruồi mất đi cácvân dabình thường.
Như vậy có thể thấy, nếu nốt ruồi đỏ xuất hiện các biểu hiện bất thường thì cần thăm khám bác sĩ sớm để được kiểm tra, sinh thiết để loại trừ nguyên nhân là khối u ung thư ác tính. Đặc biệt, không nên xăm đè lên nốt ruồi bởi dưới sự che phủ của mực xăm, việc phát hiện các bất thường của nốt ruồi sẽ khó khăn hơn.
3. Có cần loại bỏ nốt ruồi đỏ không?
Theo Healthline, nốt ruồi đỏ thường là các tổn thương lành tính nhưng do nốt ruồi đỏ có thể phát triển to lên ảnh hưởng tới thẩm mỹ hoặc chảy máu sau chấn thương nên bạn có thể lựa chọn điều trị xóa nốt ruồi đỏ tại các cơ sở y tế uy tín.
Các biện pháp xóa nốt ruồi đỏ có thể kể đến như: Phương pháp áp lạnh, đốt điện hoặc đốt laser. trong đó phương pháp áp lạnh được đánh giá là có hiệu quả cao và an toàn cho làn da; còn đốt điện hoặc đốt laser tác động sâu tới lớp biểu bì và mô tế bào của nốt ruồi đỏ nên vẫn có thể gây tổn thương tới vùng da xung quanh.
Ngoài ra, xóa nốt ruồi đỏ dù ở vị trí nào cũng có rủi ro để lại sẹo nên không được tự ý thực hiện tại nhà hay các cơ sở chui.
4. Nốt ruồi đỏ khi nào cần thăm khám bác sĩ?
Nốt ruồi đỏ son hay u mạch anh đào thường không đáng lo ngại nhưng nếu chúng bị chảy máu hoặc có hình dạng bất thường, hãy cân nhắc thăm khám bác sĩ sớm bởi bất kỳ khối u nào bị thay đổi bất thường về hình dạng, kích thước hay màu sắc hoặc bị chảy máu, rỉ dịch, ngứa ngáy đều có nguy cơ là dấu hiệu sớm của ung thư da hoặc các tình trạng gây đỏ ngứa da khác như chàm, mề đay, bệnh vẩy nến.
Lưu ý, u máu và u mạch anh đào là không giống nhau. U máuphát triển khi có sự gia tăng bất thường của các mạch máu tại một vùng trên cơ thể, có thể chứa mạch máu hoặc mạch bạch huyết (lymphatic vessels). Trong khi đó, u mạch anh đào chỉ được tạo thành từ mạch máu. U mạch anh đào cũng phổ biến hơn ở người trưởng thành, còn u máu lại thường gặp hơn ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Nguồn thông tin từ: Phunuvietnam.vn