Khen thưởng 48 cá nhân tiêu biểu trong phong trào “Sáng kiến, sáng tạo” ngành Y tế Thủ đô năm 2024
Với sáng kiến “Dụng cụ tự tập bàn tay cho người bệnh liệt nửa người do tai biến mạch máu não”, BS CKII. Nguyễn Thị Việt Hà, Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Lão khoa tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội vinh dự là một trong 48 tác giả của các sáng kiến được tôn vinh trong Hội nghị biểu dương cán bộ công đoàn tiêu biểu và tôn vinh “Sáng kiến, sáng tạo” ngành Y tế Thủ đô năm 2024.
Xuất phát từ ý tưởng trò chơi nghé ọ ngày bé của bản thân, sau quá trình làm về công tác phục hồi chức năng, BS Nguyễn Thị Việt Hà nhận thấy hiện nay tại Việt Nam còn thiếu phương tiện tập luyện cho người bệnh.
“Tại bệnh viện, tôi thường xuyên tiếp nhận điều trị bệnh nhân liệt vận động chủ yếu do di chứng đột quỵ não. Với các mức độ và giai đoạn khác nhau thì việc di chứng liên quan nhiều đến chức năng bàn tay chiếm trên 90%. Bệnh nhân được điều trị theo chỉ định phục hồi chức năng bao gồm các bài tập về vận động cũng như hoạt động trị liệu ngày 1-2 lần, thời gian khoảng 60 phút, thời gian còn lại bệnh nhân được hướng dẫn tự tập.
Tuy nhiên, trang thiết bị để hỗ trợ người bệnh còn hạn chế, đặc biệt việc sử dụng liên tục một loại dụng cụ dễ gây nhàm chán do dụng cụ tập chưa thực sự đa dạng, đa năng, dễ sử dụng cũng là trở ngại đáng kể”- BS CKII. Nguyễn Thị Việt Hà chia sẻ.
Được biết, tại Việt Nam có nhiều phương pháp và dụng cụ để tập phục hồi, nhưng phần lớn các dụng cụ đều được nhập khẩu từ nước ngoài với chi phí khá cao (vài triệu đồng), thường xuyên phải thay thế theo mức cơ lực và tình trạng phục hồi của bệnh nhân.
Xuất phát từ quan sát thực tế nhu cầu điều trị và hiệu quả từ dụng cụ hỗ trợ tập cho bệnh nhân, BS Việt Hà và các đồng nghiệp đã phát triển nghiên cứu ra sáng kiến “Dụng cụ tập tay cho bệnh nhân liệt nửa người do tai biến mạch máu não” với giá thành thấp (vài trăm nghìn đồng), tiện dụng và hiệu quả.
“Khi điều trị tập luyện cho người bệnh, tôi thấy rằng các thiết bị nhập ngoại tốn kém, lại có thể không phù hợp với từng người bệnh, thậm chí thường xuyên phải thay theo sự hồi phục dẫn đến tốn kém. Ngoài thời gian tập với kĩ thuật viên tại phòng tập, người bệnh có nhiều thời gian rảnh thì dụng cụ tập này có ưu điểm dễ thao tác sử dụng, mọi lúc mọi nơi, linh hoạt dùng cho cả 2 tay so với nhiều thiết bị chỉ dùng cho 1 tay phải hoặc trái gây lãng phí tốn kém”- BS Nguyễn Thị Việt Hà thông tin.
Sáng kiến này ra đời trong bối cảnh đại dịch Covid-19, và được ứng dụng từ năm 2022. Dụng cụ đã nhận được sự tin tưởng và hợp tác từ bệnh nhân, nhờ vào tính tiện lợi và dễ thao tác.
Khác với giải pháp cũ tập trung vào việc giữ tư thế cho bàn tay. Sáng kiến mới này phát triển dựa trên nguyên tắc kích thích vận động chức năng của bàn tay, ngón tay, giảm nguy cơ co rút bàn ngón và tối ưu hóa quá trình phục hồi. Cấu trúc kim loại với hệ thống đai cố định cổ tay và miếng đệm điều chỉnh giúp áp dụng áp lực tập luyện chính xác vào mỗi ngón tay. Hệ thống trở lực linh hoạt từ nhẹ đến nặng làm nổi bật sự khác biệt so với giải pháp trước đây.
Sáng kiến đã được Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hà Nội đánh giá có phạm vi ảnh hưởng cấp thành phố.
Tại hội nghị, 24 cán bộ công đoàn ngành Y tế Thủ đô được nhận Kỷ niệm chương vì sự nghiệp xây dựng tổ chức công đoàn năm 2024 của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.
Công đoàn ngành Y tế Hà Nội tôn vinh, khen thưởng 48 y, bác sĩ, kỹ thuật viên đang công tác tại các đơn vị của ngành y tế Hà Nội là tác giả của sáng kiến, sáng tạo trong phong trào “Sáng kiến, sáng tạo” ngành Y tế Thủ đô năm 2024; khen thưởng 195 cán bộ Công đoàn ngành Y tế Thủ đô tiêu biểu năm 2024.
Nguồn thông tin từ: Phunuvietnam.vn